Góc nhìn tổng quan: Khám phá sự tích hợp AI và RPA
Nếu như AI là ngôi sao sáng nổi bật trong năm vừa qua trên khắp các diễn đàn, thì một nhân tố khác cũng đang từng bước tạo nên cuộc cách mạng trong giai đoạn chuyển đổi số đó chính là “Tự động hóa quy trình bằng Robot” (RPA). Tưởng chừng bị bỏ quên, RPA hiện đang nhận được rất nhiều tâm điểm chú ý bởi sự kết hợp với AI tạo nên một xu hướng công nghệ “Tự động hóa thông minh” (IA). Bộ đôi IA và RPA đã và đang định hình lại cách mà các doanh nghiệp toàn cầu vận hành bất kể là tập đoàn lớn hay những công ty ở giai đoạn khởi nghiệp. Từ tự động hóa các nhiệm vụ đơn giản đến các quy trình phức tạp quy mô chưa từng có, Tự động hóa thông minh (IA) sẵn sàng thay đổi thế giới công việc. Và câu hỏi đặt ra lúc này là bạn đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội đó nhằm ứng dụng sức mạnh IA giúp doanh nghiệp vươn đến một tầm cao mới hay chưa?
AI và RPA. Đâu là sự khác biệt?
AI là gì?
AI (Trí tuệ nhân tạo) là một lĩnh vực khoa học máy tính, được coi như một “bộ não” mô phỏng tư duy con người nhằm thực hiện các tác vụ như nhận diện, phân tích, đưa ra dự đoán và xử lý tình huống nhờ khả năng tự học. AI có thể được sử dụng để tạo ra hình ảnh, văn bản, đưa ra quyết định dựa vào dữ liệu theo thời gian thực. Có rất nhiều nhánh trong AI bao gồm: Máy học (Machine Learning – ML), Xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Natural Language Processing – NLP), Xử lý tài liệu thông minh (Intelligent Document Processing – IDP), Nhận dạng ký tự quang học (Optical Character Recognition – OCR).
RPA là gì?
RPA hay còn gọi là Tự động hóa quy trình bằng Robot là giải pháp sử dụng các con bot được lập trình sẵn để thực hiện các công việc lặp lại. Vì thế, RPA được coi như “cánh tay” của con người khi hoạt động dựa trên nguyên lý mô phỏng hành vi con người để xử lý các tác vụ. Từ đó, RPA giúp tự động hóa các quy trình để tăng hiệu suất công việc.
Đọc thêm: Giải pháp RPA – Cuộc cách mạng cho toàn doanh nghiệp
AI và RPA sẽ kết hợp như thế nào?
Nếu như RPA có khả năng xử lý các dữ liệu có cấu trúc thì AI lại có khả năng xử lý các dữ liệu có cấu trúc, dữ liệu bán cấu trúc, dữ liệu phi cấu trúc. Vì vậy, trong quá trình tự động hóa quy trình bằng Robot (RPA) thì AI sẽ là một trợ thủ đắc lực để xử lý các thông tin phi cấu trúc (tài liệu, báo cáo, hóa đơn..) trước khi tiến hành quá trình tự động hóa.
Kết hợp RPA và AI đã tạo nên một xu hướng tiềm năng đáng chú ý – Tự động hóa thông minh (Intelligent Automation – IA). Theo dự báo của Gartner “Thị trường Tự động hóa thông minh toàn cầu được ước tính sẽ chạm ngưỡng 15.2 tỷ đô vào năm 2025, với tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 12.5% từ năm 2020.” Khi đó, RPA sẽ đóng vai trò như một bàn tay của hệ thống vận hành để thực hiện các nhiệm vụ hiệu quả dưới quyết định của trí tuệ nhân tạo AI.
Tại sao nên kết hợp AI và RPA?
Nâng cao hiệu suất
RPA tự động hóa các nhiệm vụ lặp lại, giải phóng nguồn nhân lực cho các hoạt động yêu cầu tính chiến lược và giá trị cao. Trong khi đó, AI có nhiệm vụ phân tích các dữ liệu phi cấu trúc và đưa ra dự đoán dựa trên dữ liệu thời gian thực để giúp quá trình tự động hóa của RPA đạt hiệu suất tốt. Bên cạnh đó, thuật toán AI có khả năng phát hiện lỗi sai và đề xuất chỉnh sửa giúp tăng độ chính xác lên tới 100%.
Theo báo cáo Deloitte, các công ty ứng dụng bộ đôi sức mạnh AI và RPA đã tăng hiệu suất lên đến 73%.
Tiết kiệm chi phí
Các doanh nghiệp khi tích hợp RPA và AI có thể tiết kiệm ngân sách một cách đáng kể. Việc kết hợp giải pháp RPA và AI với tiềm năng triển khai trên toàn hệ thống doanh nghiệp sẽ giúp các quy trình vận hành được đồng bộ và tự động hóa. Từ đó sẽ góp phần xây dựng lên bản chiến lược lâu dài về ngân sách cho doanh nghiệp.
Theo McKinsey, RPA và AI là ngôi sao sáng trong bản kế hoạch tài chính của doanh nghiệp khi có khả năng giảm tới 20-25% chi phí vận hành.
Nâng cao trải nghiệm khách hàng
Khi các chatbot và trợ lý ảo được hỗ trợ bởi AI được tích hợp với RPA sẽ mang lại trải nghiệm khách hàng cá nhân hóa và liền mạch. Qua đó, quá trình phản hồi và giải quyết vấn đề nhanh chóng sẽ góp phần tăng sự hài lòng của khách hàng.
Theo nghiên cứu của Accenture and HFS Research thì có đến 84% nhân viên nhận thấy rõ tỷ lệ hài lòng từ khách hàng tăng co nhờ sự kết hợp AI và RPA.
Sự tích hợp AI và RPA sẽ được ứng dụng ở đâu?
Xử lý hóa đơn
Xử lý hóa đơn luôn là một công việc tốn nhiều thời gian và đòi hỏi sự chính xác cao, khi ứng dụng kết hợp AI và RPA, quá trình này sẽ trở nên tinh gọn và chính xác hơn. Lúc này, RPA có nhiệm vụ trích xuất và nhập dữ liệu có cấu trúc lên hệ thống, AI sẽ phân loại hóa đơn với OCR và IDP cũng như đối chiếu với hệ thống với ML.
Có thể kể đến công ty My Plan Manager Group với Chương trình bảo hiểm khuyết tật quốc gia (NDIS) hàng đầu của Úc đã ứng dụng OCR và RPA khi xử lý hóa đơn của quy trình chương trình NDIS giúp tiết kiệm đến 100,000 giờ làm việc.
Dịch vụ khách hàng
Một thách thức rất lớn cho bộ phận chăm sóc khách hàng mỗi ngày để quản lý và phản hồi hàng nghìn câu hỏi và yêu cầu hỗ trợ từ khách hàng. Nhưng với chatbot thông minh nhờ tích hợp RPA và Generative AI, giờ đây bộ phận dịch vụ không chỉ có thể trả lời tự động các yêu cầu khách hàng 24/7 mà còn có thể phân tích dữ liệu, hành vi của khách hàng để đưa ra những phản hồi cá nhân hóa.
Amazon đã nâng tỷ lệ hài lòng của dịch vụ chăm sóc khách hàng lên tới 85% nhờ việc áp dụng AI và RPA vào hệ thống Chatbot trả lời tự động các câu hỏi và yêu cầu của khách hàng.
Một số lưu ý khi kết hợp AI và RPA
Chuẩn hóa cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin
Hệ thống cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin sẵn có cần được tích hợp liền mạch với AI và RPA. Nhưng điều quan trọng đầu tiên đó chính là việc chuẩn hóa hệ thống hiện tại trước khi ứng dụng công nghệ mới. Cơ sở hệ thống công nghệ đã chuẩn hóa sẽ loại bỏ sự thiếu đồng nhất và bất ổn định trong cả hệ thống phần cứng và phần mềm công nghệ. Từ đó quá trình thực hiện và bảo trì các giải pháp AI và RPA trở nên đơn giản hơn cũng như tiết kiệm thời gian và nhân lực.
Đảm bảo quyền bảo mật và riêng tư
Dữ liệu chính là bí mật và giá trị cốt lõi của mọi doanh nghiệp. Vì vậy, việc đảm bảo độ bảo mật và khả năng truy cập khi tích hợp với các công nghệ mới là điều cần thiết. Mỗi doanh nghiệp cần có hệ thống bảo mật và kiểm soát quá trình ứng dụng AI và RPA vào bộ máy vận hành của doanh nghiệp để tránh những rủi ro không đáng có.
Xây dựng lòng tin từ đội ngũ nhân sự
Khi áp dụng sự tích hợp AI và RPA vào vận hành, thì việc giới thiệu và hướng dẫn cho nhân viên là bước quan trọng để đảm bảo sự chuyển đổi thông suốt và tránh những vấn đề xung đột. Đặc biệt cần làm rõ vấn đề ứng dụng công nghệ mới không phải để thay thế con người mà để nâng cao hiệu suất chung của tổ chức.
Dẫn đầu thị trường với bộ đôi sức mạnh AI và RPA
Những bước chuyển mình với xu hướng mạnh mẽ của Tự động hóa thông minh” (IA) đang tạo nên một cuộc cách mạng trong khắp các lĩnh vực với nhịp độ thay đổi mau lẹ. Khó có thể dự đoán một cách chính xác những xu hướng công nghệ trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến cụ thể như nào, nhưng những dấu hiệu tăng trưởng tích cực cùng độ phủ sóng hiện tại của IA là điều không thể phủ nhận.
Nắm bắt được thời cơ thích hợp để ứng dụng bộ đôi AI và RPA vào hệ thống vận hành kinh doanh, doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh rất lớn. Theo báo cáo của Deloitte, 71% doanh nghiệp đã sẵn sàng triển khai và mở rộng quy mô tích hợp AI và RPA vào hoạt động kinh doanh.
Trong lĩnh vực công nghệ, sự tương tác của các xu hướng đã tạo ra các hệ thống đa kết nối và đặt nền tảng cho các hoạt động vận hành thông minh khổng lồ. Các doanh nghiệp đang đứng trước một cơ hội rất lớn để nắm bắt lấy tiềm năng thay đổi cuộc chơi với sự kết hợp của AI và RPA. Lựa chọn này sẽ đem đến những thành công ngoài mong đợi hoặc là những thách thức không hề nhỏ. Vì vậy, điều quan trọng là những quyết định được tính toán và cân nhắc một cách cẩn thận trước khi ứng dụng công nghệ mới đang định hình bối cảnh tương lai toàn cầu.
Khám phá ngay: 8 xu hướng công nghệ dẫn đầu năm 2024