Tự động hóa bằng Robot hay còn gọi là giải pháp RPA (Robotic Process Automation) là một trong những nhân tố nổi bật làm cho thị trường công nghệ Việt Nam trở nên sôi động hơn bao giờ hết trong mấy năm gần đây. Theo PwC, thị trường tự động hóa RPA tại Việt Nam năm 2021 có giá trị ước tính 2,9 tỷ USD và có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc đạt mức 203%.
Lí do cho mức tăng trưởng ấn tượng đó chính là những hiệu quả mà giải pháp RPA mang lại cho doanh nghiệp khi triển khai trong rất nhiều ngành nghề như tài chính ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất, bán lẻ…
Đọc thêm: Triển khai RPA – Ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp với 4 lí do
Có thể thấy việc triển khai tự động hóa quy trình bằng Robot – RPA có rất nhiều ưu điểm và lợi ích đối với doanh nghiệp, tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp triển khai RPA vẫn còn chưa nhiều bởi rất nhiều những trở ngại phía trước.
Những thách thức khi triển khai dự án RPA
Yêu cầu chuẩn hóa quy trình doanh nghiệp
Trước khi có thể triển khai tự động hóa, quy trình doanh nghiệp cần có hệ thống chuẩn hóa bởi thực tế nếu doanh nghiệp tự động hóa một quy trình chưa chuẩn, kém hiệu quả thì việc triển khai RPA là một phương án lãng phí ngân sách và mất thời gian khi quá trình triển khai cần thay đổi và chỉnh sửa lại nhiều lần. Ngoài ra việc chuẩn hóa ở đây cũng cần đảm bảo là cơ sở hạ tầng sẵn có tương thích với giải pháp RPA để tránh mất thời gian thực hiện.
Sự ủng hộ của các bên liên quan
Trước khi quyết định đầu tư quá trình tự động hóa bằng Robot, các doanh nghiệp cần thống nhất với nhân sự nội bộ và các bên liên quan. Nếu bạn không nhận được sự ủng hộ từ Ban lãnh đạo và phòng ban liên quan, khả năng triển khai gần như bằng 0. Mặc dù giải pháp RPA mang lại rất nhiều những lợi ích cho doanh nghiệp theo như số liệu khảo sát thực tế của Deloitte:
- Độ chính xác được cải thiện 92%
- Chất lượng công việc cải thiện 90%
- Năng suất công việc tăng 86%
- Cắt giảm chi phí đến 59%
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào ở Việt Nam cũng có thể nhận thực được vấn đề này, cũng như dám bước ra khỏi vùng an toàn để phá bỏ những phương thức truyền thống và theo đuổi những cách triển khai mới tiềm ẩn những rủi ro. Bên cạnh đó, các tình huống khó khăn cũng cần được dự báo trước để chuẩn bị những phương án dự phòng.
Lòng tin từ nội bộ nhân viên
Có một số quan điểm cho rằng RPA sẽ thay thế lực lượng lao động con người, tuy nhiên trong thực tế, RPA đóng vai trò như một nhân sự kỹ thuật số có thể làm việc 24/7 giúp nhân viên tập trung vào các công việc đòi hỏi tính sáng tạo và tư duy phản biện. Khi thay đổi cách quản lý truyền thống, mọi người có thể cảm thấy hoang mang. Vì thế, doanh nghiệp nên đào tạo cũng như giới thiệu cho nhân sự về các lợi ích, thử thách và các vận hành của quá trình tự động hóa để nhân viên yên tâm, thấu hiểu và gắn bó.
Ngân sách đầu tư ban đầu cao
Ngân sách ban đầu để triển khai giải pháp RPA là khá lớn bởi độ phức tạp do từng yêu cầu vận hành doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau. Doanh nghiệp triển khai giải pháp RPA sẽ cần chi trả cho một số khoản như: chuẩn bị hệ thống máy móc vận hành đủ đáp ứng nhu cầu, chi phí chi trả cho bên cung cấp giải pháp RPA bao gồm công cụ viết Bot, chi phí cho người lập trình, chi phí tư vấn, chi phí bảo trì, chi phí triển khai trong quá trình vận hành…
Một số lưu ý
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng phù hợp để triển khai quy trình tự động hóa bằng Robot bởi vì khi quy mô của doanh nghiệp quá nhỏ, việc áp dụng giải pháp RPA sẽ trở thành gánh nặng về chi phí khi không thể mong chờ khả năng thu hồi vốn trong ngắn hạn. Thực tế đã cho thấy, các giải pháp RPA được triển khai ở các tập đoàn, công ty có quy mô lớn với nhiều chi nhánh và các quy trình lặp đi lặp lại như ngân hàng, các quỹ tài chính, kế toán… Và việc doanh nghiệp có nên ứng dụng RPA vào hệ thống hay không thì sẽ cần quá trình tư vấn có chuyên môn từ đơn vị cung cấp triển khai giải pháp.
Hành trình Tự động hóa
Thử thách càng lớn thì kết quả đạt được sẽ càng tuyệt vời nếu doanh nghiệp có những bước đi chủ động và khẩn trương hơn nữa. Biết được những rủi ro tiềm ẩn là để sẵn sàng các giải pháp đối phó có tính khả thi. Chỉ khi có tầm nhìn rõ ràng và bản kế hoạch chi tiết, doanh nghiệp mới có thể tự tin và kiên định với mục tiêu tự động hóa, kết quả không chỉ là tối ưu hóa chi phí vận hành mà còn giúp nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo tiền đề cho những kế hoạch phát triển rộng mở trong tương lai.
Vui lòng liên hệ tới email: [email protected] để được tư vấn chi tiết hơn!